Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Sửa Luật thuế TNDN và GTGT khắc phục những bất cập

Written By TaxDuyXuyen on Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013 | 00:28


               
Ảnh minh họa.
(eFinance số 117 Ngày 15/03/2013) - Đó là một trong những mục tiêu chính của Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện trình Quốc hội vào tháng 5/2013 tới đây. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) doanh nghiệp (DN) nên coi các sắc thuế như một người bạn. Đặc biệt, 2 sắc thuế quan trọng và bắt buộc là TNDN và GTGT chiếm tới hơn 53,9% ngân sách nhà nước (NSNN) càng cần DN chú ý. Chính vì vậy, dự thảo sửa đổi thuế TNDN và GTGT lần này đang nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và DN…
Với thuế TNDN, dù doanh nghiệp có lỗ hay lãi vẫn phải quyết toán. Lãi thì đóng thuế đương nhiên, nhưng lỗ thì cũng phải có động thái xin gia hạn và cam kết lộ trình phải trả với cơ quan thuế. Thực tế, từ năm 2009 - 2011, mặc dù thuế suất thuế TNDN được giảm từ 28% xuống 25%, nhưng số thu vẫn bảo đảm tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 25%. Cụ thể, năm 2010 là 82.297 tỉ đồng, năm 2011 là 96.600 tỉ đồng và năm 2012 dự kiến 129.391 tỉ đồng. Do đó, những phản biện của các chuyên gia tại Hội thảo đánh giá tác động sửa đổi bổ sung thuế TNDN và GTGT tại Việt Nam vừa qua được đông đảo chuyên gia kinh tế và DN chú ý theo dõi.
Giảm thuế TNDN xuống còn 20 - 23%
Dự thảo sửa đổi thuế TNDN đề xuất hạ từ 25% xuống 23%, với DN có quy mô vừa và nhỏ được áp dụng thuế suất 20% (dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm). Chi phí quảng cáo, khuyến mại hoa hồng, cũng sẽ được nới lên mức 15% thay vì 10% như trước. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số thu giảm do điều chỉnh thuế suất thuế TNDN năm 2014 khoảng 14 nghìn tỷ đồng (trong ngắn hạn)… tuy nhiên thuế suất có giảm nhưng vẫn giữ được mức động viên ngân sách.
Một thực tế các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, cần phải có lộ trình giảm thuế suất TNDN xuống nhằm tăng sức cạnh tranh cho DN. Theo bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, ở Việt Nam thuế suất là một chuyện, nhưng khi thực thi số thuế phải nộp cao hơn nhiều. Nhìn vào luật thì tưởng chừng đơn giản, nhưng tại các văn bản hướng dẫn thì vô vàn các văn bản là thông tư, công văn hướng dẫn. Mức thuế TNDN của Việt Nam về mặt chính thức là 25%, nhưng thực tế số tiền thuế mà hầu hết DN phải nộp là trên 25%, thậm chí lên 30% đối với một số lĩnh vực.
“Bởi căn cứ để tính thuế, chi phí hợp lý, hợp lệ đáng lẽ được khấu trừ nhưng người đi thu thuế lại không công nhận. Ở các nước giảm trừ đi nhiều lĩnh vực, như đóng góp xã hội chẳng hạn, còn ở Việt Nam cơ quan thuế vẫn tính vào”, bà Lan nói.
Với tư cách người làm chính sách thuế, ông Nguyễn Văn Phụng thừa nhận các quy định trong Luật thuế TNDN về định mức khấu hao không phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp. Cụ thể, trong thực tế DN có thể phải chi phí khi mua bán với các cá nhân không kinh doanh, với kinh tế hộ gia đình... nên không thể có hóa đơn để tính chi phí hợp lý được trừ thuế. Chính vì vậy, trong văn bản “Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020” do Bộ Tài chính trình và đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính đã đề nghị cần giảm ngay mức thuế TNDN và lộ trình giảm cần được tính toán kỹ lưỡng. Nếu trước đó mức giảm đề xuất từ từ là khoảng 22 - 23% vào năm 2015, sau đó đến tận 2020 mới giảm xuống còn khoảng 20%. Thì nay mức đề xuất giảm xuống 23% được áp dụng ngay từ 2014. Điều này sẽ DN cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, tạo điều kiện tích lũy vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Nhìn ra các nước trên thế giới, hầu hết các nước châu Âu đã giảm thuế suất bình quân từ 33% năm 2000 xuống 25% năm 2011, riêng lĩnh vực phi tài chính thì thuế suất chỉ là 21%. Gần đây, nhiều nước và lãnh thổ trong khu vực đang có kế hoạch giảm mạnh thuế suất thuế TNDN xuống hơn nữa. Tại châu Á, Singapore chỉ còn 17%, Đài Loan hiện có mức thuế 23% và dự kiến sẽ giảm còn 20% vào năm 2013 này... Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định với tỉ lệ thu thuế, phí trên GDP tới 26,3%, Việt Nam cần giảm xuống tương đồng với các quốc gia trong khu vực.
Cũng theo ông Phụng, thời điểm và lộ trình giảm thuế TNDN sắp tới phù hợp với yêu cầu thực tiễn đồng thời là biện pháp hữu hiệu để đối phó với xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển sang các nước trước kia có nhiều hạn chế về cạnh tranh đầu tư với Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Myanmar... và doanh nghiệp FDI thu gọn quy mô hoặc đóng cửa công ty, chỉ còn mở văn phòng đại diện. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TNDN xuống 20 - 23% là phù hợp…
Đối với thuế GTGT, các chuyên gia đồng tình sắc thuế suất hiện tại thuộc dạng thấp trong khu vực. Cụ thể, Nhà nước giữ mức thuế suất 10%, chưa thu hẹp nhóm thuế suất 5% đối với các mặt hàng tiêu dùng trong nước, đồng thời bổ sung quy định áp thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam.
Giảm thuế đi đôi tăng năng suất lao động
Đánh giá lộ trình giảm thuế và đánh giá tác động của việc sửa đổi 2 sắc thuế này, ông Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phân tích: Tác động của cải cách thuế TNDN và thuế GTGT lần này về cơ bản đảm bảo tính động bộ của hệ thống chính sách thuế. Cụ thể, có 3 tác động chính là về thu NSNN, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải cách hành chính thuế.
Đối với thu NSNN, theo tính toán của Bộ Tài chính dự kiến số thu do điều chỉnh thuế TNDN sẽ giảm khoảng 14.000 tỷ đồng vào năm 2014 (ngắn hạn). Trong đó, mức giảm khoảng 12.000 tỷ đồng (khi hạ thuế suất từ 25% xuống 23%) và 2.000 tỷ đồng đối với DN nhỏ và vừa khi hạ thuế suất từ 25% xuống 20%. Tuy nhiên, về cơ bản mức động viên NSNN vẫn được đảm bảo. Thực tiễn chứng minh những lần điều chỉnh thuế suất TNDN giai đoạn 2003 - 2008 cho thấy mức động viên NSNN vẫn được duy trì ổn định.
Trong khi đó lợi ích từ việc hạ thuế suất TNDN lần này là vô cùng lớn. Cụ thể, đối với DN thì đây chính là “cú huých” thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng mức hấp dẫn cho môi trường đầu tư và tính cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là cơ hội giúp các DN tái cấu trúc, đồng thời hạn chế sự lệ thuộc vào vốn vay (quy định về vốn mỏng - PV) góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá hiện nay.
Lợi ích thứ 3 liên quan trực tiếp đến cơ quan thuế. Việc sửa đổi 2 sắc thuế này nằm trong lộ trình cải cách hành chính, xóa bỏ các thủ tục phiền hà DN, tập trung vào chăm sóc và nuôi dưỡng nguồn thu (giãn việc kê khai thuế từ 3 tháng lên 12 tháng; quy định rõ về thuế nhà thầu; nâng tỷ lệ khấu trừ chi phí cho các lĩnh vực như quảng cáo… - PV). Cơ quan thuế xác định, cần tập trung vào các DN lớn đóng góp tới 80% số thu và làm tốt Tuyên ngôn ngành Thuế là góp phần nâng sức cạnh tranh về mức độ thuận lợi cho DN, qua đó cải thiện hình ảnh của ngành.
Thực tế, câu chuyện động viên ngân sách ở Việt Nam không hề cao. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Tỉ lệ huy động vào ngân sách của các nước không tính thu dầu thô, thu từ tiền sử dụng đất, trong khi Việt Nam có tính cả khoản này. Lấy ví dụ Trung Quốc, theo báo cáo Ủy ban Kinh tế nêu tỉ lệ huy động là 17,3%, nhưng Trung Quốc có hai hệ thống thu trung ương và địa phương, trong khi Việt Nam tính luôn cả thu ngân sách trung ương và địa phương. Sau khi loại trừ các yếu tố thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, tỉ lệ huy động vào ngân sách của Việt Nam, trung bình cả 20 năm qua chỉ khoảng 12 - 14% GDP.
Cụ thể, với thuế TNDN, bà Mai cho biết: Từ năm 1999 đến nay, thuế suất liên tục giảm từ mức 32% xuống 28% (2004), xuống 25% (2009) và hiện nay ngoài mức phổ thông 25%, còn thuế ưu đãi 10%. Với thuế TNDN, sắc thuế này đã liên tục điều chỉnh giảm, trong khi thuế GTGT thì thuộc dạng thấp nhất khu vực.
Không bàn thuế suất cao hay thấp, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh thì phân tích: Nếu chúng ta cứ mong giảm thuế hay lãi suất rẻ, mà không cấp thiết cải tiến năng suất thì nền kinh tế Việt Nam cũng chẳng bền vững lâu dài. Thuần về kinh tế thì ai cũng có thể hiểu rằng sản lượng kinh tế chỉ tăng khi thêm người sản suất, đó là động lực về dân số tham gia lao động. Sản lượng chỉ có thể tăng, nếu mỗi người lao động đạt hiệu năng cao hơn, nói “nôm na” là cùng một sức lao động sản xuất ra nhiều của cải hơn, người ta gọi đó là năng suất. Tức là sau dân số thì còn có dân trí, trình độ nhân công tay nghề cao hơn để làm sao thoát được cái bẫy nhân công rẻ, làm gia công, chiếm dụng nhiều tài nguyên hiệu năng không cao. Đây mới là điểm yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải.
Đi sâu phân tích bản chất vấn đề, các chuyên gia kinh tế đều nhận định đa phần các DN ở Việt Nam do mới hình thành nên đa phần nhỏ bé, yếu ớt. Chính vì vậy, đa phần DN thiếu kinh nghiệm, thiếu công cụ sản xuất hiện đại, đặc biệt thiếu vốn nên chỉ cần những biến động của thị trường là chết… “tức tưởi”, nguyên nhân cũng chỉ vì vốn là chính. Do vậy, khi thuế TNDN ở mức 25%, gần 1/3 lợi nhuận thu được của DN cộng với lãi suất ngân hàng cao khiến DN “kêu la” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế dù có hạ thuế suất bao nhiêu, lãi suất có ưu đãi thế nào nhưng nếu không đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động thì DN Việt Nam mãi mãi gắn chặt với công nghệ “bắt vít”, làm thuê mà thôi…
Dự thảo sửa đổi Luật thuế TNDN lần này sửa đổi 9/20 điều hiện hành, thuộc 6 nhóm vấn đề với 17 nội dung chính trong đó tập trung nhiều vào việc sửa đổi thuế suất và những quy định về thu nhập chịu thuế và thu nhập miễn thuế. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Luật thuế GTGT sửa đổi 7/16 điều hiện hành, với 20 nội dung chính. Nếu đúng lộ trình, Luật thuế TNDN sửa đổi lần này sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2013 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2014. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2013) để lấy ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2013). Dự kiến hiệu lực thi hành của Luật từ 01/7/2014.
Khi đó, thuế TNDN sẽ hạ từ 25% xuống 23%, với DN có quy mô vừa và nhỏ được áp dụng thuế suất 20% (dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm). Cũng từ ngày 01/01/2016, với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, tiền lãi vay này sẽ không được khấu trừ vào chi phí trước khi tính thuế. Với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng, tỉ lệ này sẽ cao hơn nhưng không quá 10 lần vốn chủ sở hữu.
Việc áp dụng quy định này nhằm đảm bảo phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chống chuyển giá. Từ 01/01/2014, đối với các thu nhập không thường xuyên như từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư... sẽ được bù trừ lỗ lãi. Trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn bị lỗ thì DN được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.
Việc sửa cả 2 thay đổi về thuế suất lần này sẽ đưa Việt Nam thúc đẩy cải cách thuế và có mức động viên ngân sách thấp nhất khu vực. Cụ thể, với thuế TNDN mức 23%, Việt Nam sẽ thấp hơn Ấn Độ (30%); Trung Quốc (25%) và bằng Thái Lan (23%). Trong khi thuế GTGT của Việt Nam (10%) sẽ thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực...

(Nam Phương)

Đăng nhận xét