Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

HỎI ĐÁP, ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP

Written By TaxDuyXuyen on Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016 | 17:29

TỔNG HỢP CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI VƯỚNG MẮC
VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA DOANH NGHIỆP
Tại Hội nghị Đối thoại ngày 29/4/2016


Câu hỏi 1: (Cty TNHH MTV vận chuyển, khai thác khoáng sản Phạm Thăng Long)
Công ty mua tài sản là máy thi công, không có hóa đơn đầu vào thì có được đưa vào tài sản cố định không, có được tính khấu hao không?
Trả lời:
Tại điều 3, Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định như sau:
Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
- Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
- Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
- Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.
Tại Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC và Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: …
b) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh  thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp mua máy thi công nhưng không có hóa đơn chứng từ để chứng minh quyền sở hữu thì không ghi nhận là tài sản cố định, không tính khấu hao, đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Trường hợp, doanh nghiệp mua máy thi công của người không kinh doanh (cụ thể mua của cá nhân có tài sản nhưng vì lý do khách quan không đưa vào SXKD) thì làm giấy cam đoan không kinh doanh có xác nhận của chính quyền địa phương; đồnh thời, thực hiện Hợp đồng mua – bán có công chứng đề làm chứng từ. Đối với trường hợp này, thì đuợc xác định là TSCĐ và trích khấu hao theo quy định.
Câu hỏi 2: (Công ty CP xây dựng 24 - Đại Lộc )
Hướng dẫn kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp có mỏ khai thác thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên khác nơi DN đóng trụ sở chinh (huyện Đại Lộc).
1.     Kê khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường:
-         Tại điểm b, khoản 6, điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định:
Hồ sơ khai thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác tài nguyên mà người nộp thuế có trụ sở chính ở cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi doanh nghiệp có hoạt động khai thác tài nguyên được nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế). ..”
- Tại khoản 2,  điều 19 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định:
Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên…
2.     Địa điểm nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường:
Theo công văn số 648/LN-CT-KB ngày 29/01/2016 của liên ngành Cục thuế, Kho bạc tỉnh Quảng Nam hướng dẫn cụ thể như sau:
         - Thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản được nộp vào KBNN huyện, thị xã, thành phố nơi có mỏ khai thác (đối với cả NNT có trụ sở chính ngoài tỉnh Quảng Nam và NNT có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh)
          - KBNN huyện, thị xã, thành phố nơi có mỏ khai thác có trách nhiệm truyền chứng từ và bảng kê chứng từ nộp NSNN cho Chi cục Thuế nơi có mỏ khai thác. Trên nội dung chứng từ phải có thông tin về “cơ quan Thuế quản lý NNT” để Chi cục Thuế nơi có mỏ khai thác có căn cứ thực hiện luân chuyển chứng từ sang CCT quản lý NNT hạch toán giảm nghĩa vụ thuế cho NNT.
Câu hỏi 3: (Công ty TNHH Việt Quang)
DN mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản về nhưng không đủ điều kiện để thực hiện khâu sơ chế mà giao lại cho một DN khác thực hiện sơ chế thì hoạt động này - DN thực hiện DV sơ chế có phải kê khai nộp thuế không? Thuế suất?
Trả lời:
- Tại khoản 4, điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về thuế suất 5%:
4. Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp (trừ nạo, vét kênh mương nội đồng được quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này).
Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp gồm phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, xay xát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.”
- Về đối tượng chịu thuế trong trường hợp này là Dịch vụ  sơ chế.
Như vậy việc công ty thuê DN khác thực hiện sơ chế hàng phẩm nông nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế suất GTGT là 5%.
Trường hợp không phải là phẩm nông nghiệpchịu thuế suất 10%
Câu hỏi 4: (XN cơ khí xây dựng Nam Phước)
Công ty di chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?
Trả lời:
Tại khoản 1, Điều 35 Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“Điều 35.  Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư và cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm được miễn thuế, giảm thuế như sau:

1. Được miễn thuế 02 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 02 năm tiếp theo đối với cơ sở sản xuất mới thành lập từ dự án đầu tư và cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm ra khỏi đô thị theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…”
Tại điều 46 Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 quy định: Nghị định này áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2007.
Tại điều 15, điều 16, điều 17 Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2014 trở đi thì trường hợp di chuyển địa điểm ra khỏi đô thị theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt không có quy định được miễn, giảm thuế TNDN.
Câu hỏi 5
Hướng dẫn xử lý hóa đơn đã xuất sai nhưng chưa kê khai thuế?
Trả lời:
Điều 20, Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về xử lý đối với hóa đơn đã lập
“…2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.”

Câu hỏi 6
Thuế GTGT của hàng hóa mua vào phục vụ cho sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì có được khấu trừ thuế không?
Trả lời:
Tại khoản 9a, Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 quy định:
2. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.”
Câu hỏi 7:
Xử lý đối với việc mất hóa đơn GTGT liên 2.
Trả lời:
           Tại Điều 24 Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định:
Điều 24. Xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn
1. Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.
2. Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn liên 2 đã sử dụng có liên quan đến bên thứ ba (ví dụ: bên thứ ba là bên vận chuyển hàng hoặc bên chuyển hóa đơn) thì căn cứ vào việc bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê để xác định trách nhiệm và xử phạt người bán hoặc người mua theo quy định.
  Căn cứ quy định trên, khi mất hóa đơn người bán và người mua phải lập thủ tục về mất hóa đơn, xác định trách nhiệm và bị xử phạt theo quy định.
Câu hỏi 8: Hướng dẫn xác định giá tính thuế tài nguyên?
Trả lời:
Tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC quy định:
 “Điều 6. Giá tính thuế tài nguyên
Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân  khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Trường hợp sản phẩm tài nguyên được vận chuyển đi tiêu thụ,  trong đó chi phí vận chuyển, giá bán sản phẩm tài nguyên được ghi nhận riêng trên hóa đơn thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm tài nguyên không bao gồm chi phí vận chuyển.”
Căn cứ quy định trên, giá tính thuế tài nguyên là giá bán ghi trên hóa đơn Trường hợp giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá quy định UBND tỉnh thì giá tính thuế là giá UBND tỉnh.
Câu hỏi 9:
Doanh nghiệp thành lập và hoạt động kinh doanh trong thời gian 03 tháng cuối năm thì thực hiện quyết toán thuế như thế nào?
Trả lời: Tại Khoản 3, Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:
“ Điều 3. Phương pháp tính thuế
3. Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo (đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc kỳ tính thuế năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản) để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp DN mới thành lập và hoạt động kinh doanh dưới 03 tháng thì được cộng vào kỳ tính thuế năm tiếp theo để quyết toán thuế TNDN.
Trường hợp kinh doanh từ 3 tháng trở lên thì thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

Câu hỏi 10:
Theo quy định của luật thuế thì thời gian miễn giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới. Vậy nếu DN thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế từ dự án đầu tư mới nhưng 5 năm đầu từ khi thành lập DN kinh doanh lỗ, đến năm thứ 6 thì mới có lãi thì DN có được hưởng ưu đãi thuế theo giấy phép ưu đãi đầu tư ban đầu không?
Trả lời: Tại Khoản 4, Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:
“Điều 20. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế
4. Thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều này được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế; Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.”
Căn cứ quy định trên, nếu DN không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.
Vậy trong trường hợp nêu trên, thời gian bắt đầu tính miễn thuế, giảm thuế của DN được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu và DN được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định.
Câu hỏi 11:
 Chính sách thuế TNDN từ năm 2015 có sự thay đổi bổ sung, đặc biệt là quy định về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế . Xin cho biết những thay đổi cụ thể trong quy định về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế ?
Trả lời: Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thuế TNDN:
Về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, tại Thông tư số 96 đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định rõ ràng, minh bạch hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giảm thủ tục hành chính khi kê khai thuế TNDN. Ví dụ Thông tư 96 đã bỏ quy định doanh nghiệp phải tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa; bỏ mức khống chế đối với chi trang phục bằng hiện vật; bỏ mức khống chế đối với chi phụ cấp cho người lao động đi công tác; bỏ mức khống chế đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ; bổ sung khoản chi được trừ đối với chi tài trợ theo chương trình của Nhà nước bao gồm cả khoản tài trợ của doanh nghiệp cho việc xây dựng cầu mới dân sinh ở địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; … Về thủ tục, hồ sơ cũng được đơn giản hóa trong một số trường hợp khi xác định chi phí được trừ, ví dụ như: Sửa đổi quy định về hồ sơ, thủ tục đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn; hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên được tính vào chi phí được trừ theo hướng sử dụng chung hồ sơ của các cơ quan có liên quan (ví dụ như đã có hồ sơ do cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường thì không cần văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn, Ban quản lý KCN, KCX… nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn… nữa); Bỏ quy định doanh nghiệp phải gửi văn bản đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp giải trình về tài sản, hàng hóa bị tổn thất, hư hỏng cùng với khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN mà doanh nghiệp chỉ cần lưu giữ các hồ sơ tại doanh nghiệp và xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu. Đối với mỗi nội dung sửa đổi, bổ sung về khoản chi được trừ đều tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục kê khai tính thuế TNDN của doanh nghiệp.
Câu hỏi 12:
Kỳ tính thuế đầu tiên đối với dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế có thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh dưới 12 tháng được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Tại Khoản 5, Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:
“Điều 20. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế
5. Năm miễn thuế, giảm thuế xác định phù hợp với kỳ tính thuế. Thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế tính liên tục kể từ kỳ tính thuế đầu tiên doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập chịu thuế (chưa trừ số lỗ các kỳ tính thuế trước chuyển sang).Trường hợp, trong kỳ tính thuế đầu tiên có thu nhập chịu thuế mà dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế dưới 12 (mười hai) tháng, doanh nghiệp được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mới ngay kỳ tính thuế đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế từ kỳ tính thuế tiếp theo. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thời gian ưu đãi thuế vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp trong kỳ tính thuế đầu tiên mà dự án đầu tư của doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế dưới 12 tháng, doanh nghiệp được lựa chọn đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế từ kỳ tính thuế tiếp theo hoặc hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư ngay từ kỳ tính thuế đầu tiên đó. Nếu DN đăng ký thời gian ưu đãi thuế vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật./.

                                                                                 CHI CỤC THUẾ H. DUY XUYÊN

Đăng nhận xét