Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Nội dung mới trong công tác quản lý thuế

Written By TaxDuyXuyen on Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013 | 23:51


Ngày 22/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2013. Nhằm hỗ trợ người nộp thuế nắm bắt các quy định về nguyên tắc và nội dung tính thuế, khai thuế, nộp thuế, chúng tôi xin trích giới thiệu một số quy định mới theo hướng dẫn tại nghị định 83/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Về nguyên tắc tính thuế, khai thuế, nộp thuế Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đề cao tính tự giác và trách nhiệm của người nộp thuế trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế theo nguyên tắc tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Nguyên tắc này được Nghị định 83/2013/NĐ-CP cụ thể hóa tại Điều 5 với các trường hợp cụ thể như sau: Một là, người nộp thuế  phải thực hiện tự tính, tự khai chính xác, trung thực và đầy đủ các nội dung trong tờ khai, nộp đủ các tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế và thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo tờ khai, theo thời hạn quy định đối với từng loại thuế tương ứng với hoạt động thực tế của mình. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế  phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót thì được khai bổ sung, điều chỉnh hồ sơ khai thuế và nộp hồ sơ cho cơ quan Thuế trước khi cơ quan Thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế.

Hai là, khi cơ quan Thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra nhưng sau này nếu người nộp thuế  phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp và được kiểm tra, thanh tra vẫn còn sai sót thì người nộp thuế được tự khai bổ sung, điều chỉnh; việc xử lý căn cứ chế độ quy định và nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc khai sót phải điều chỉnh.
Ba là, với trường hợp cơ quan quản lý thuế thực hiện việc tính thuế hoặc ấn định thuế thì người nộp thuế  phải nộp theo đúng thời hạn ghi trên thông báo nộp thuế hoặc quyết định của cơ quan quản lý thuế.

Bốn là, trường hợp người nộp thuế  tạm ngừng hoạt động kinh doanh có văn bản đề nghị gửi đến cơ quan Thuế quản lý trực tiếp thì không phải nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tạm ngừng hoạt động mà người nộp thuế  có hoạt động kinh doanh trở lại (kể cả việc mua vào, chưa bán ra) thì người nộp thuế phải có văn bản thông báo gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.
2. Về nội dung khai và kỳ hạn khai các loại thuế 


Một là, khai thuế giá trị gia tăng theo quý thay cho việc khai hàng tháng trước đây áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ với tiêu chí cụ thể là mức doanh thu của năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống. Lợi ích mang lại cho người nộp thuế thuộc nhóm này không chỉ là giảm tần suất khai thuế từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm, mà họ còn tận dụng được số tiền thuế giá trị gia tăng (lẽ ra phải nộp ngay hằng tháng như trước đây) để dùng làm nguồn vốn kinh doanh tạm thời, giảm được sức ép về dòng vốn trong thời gian chưa đến kỳ hạn nộp theo quý. Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động kinh doanh trong thời gian năm đầu tiên (12 tháng) phải khai thuế giá trị gia tăng theo tháng; Sau thời gian hoạt động kinh doanh  đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ vào mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm trước để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay khai theo quý. Việc khai thuế giá trị gia tăng theo quý được ổn định theo chu kỳ 3 năm dương lịch, chu kỳ khai theo quý đầu tiên được thực hiện ổn định từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành cho đến hết năm 2016. Trường hợp người nộp thuế thuộc diện khai thuế theo quý nhưng muốn thực hiện khai thuế theo tháng thì gửi thông báo cho cơ quan thuế biết. Việc khai thuế theo tháng hay theo quý được ổn định trọn năm dương lịch.

Hai là, khai thuế giá trị gia tăng theo từng lần phát sinh chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ do người nộp thuế  kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính (gọi tắt là kinh doanh ngoại tỉnh); không áp dụng đối với việc kinh doanh vãng lại giữa các quận/huyện trong cùng một tỉnh. Trường hợp việc khai thuế phát sinh nhiều lần trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với cơ quan Thuế để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.


Ba là, khai thuế thu nhập cá nhân bao gồm khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm và khai theo từng lần phát sinh và thực hiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân. Đối với tổ chức chi trả thu nhập thực hiện khai quyết toán thuế năm cần nộp tờ khai quyết toán thuế và tài liệu khác liên quan; định kỳ nếu có số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ bình quân tháng từ 50 triệu đồng trở xuống thì khai tạm nộp theo quý, nếu cao hơn mức này thì khai nộp theo tháng.
Bốn là khai thuế theo năm và tạm nộp hàng tháng áp dụng đối với hoạt động kinh doanh thường xuyên của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Đăng nhận xét